Hội thảo “Chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh chè - Thực trạng và giải pháp”
Tới dự có lãnh đạo Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương; các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh.
Cùng với sự phát triển của nông nghiệp số trên cả nước, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ đang có những thay đổi, bắt kịp xu thế nhằm tạo dựng môi trường nông nghiệp số trên địa bàn. Đặc biệt, trước tác động của dịch bệnh COVID-19 đã gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng nông nghiệp nhưng cũng tạo cơ hội để người nông dân trong tỉnh chủ động, đổi mới tư duy, tiếp cận gần hơn với thời cơ chuyển đổi số. Trước thực tế đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ngành Thông tin và Truyền thông Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm tạo ra giá trị phát triển cho nông sản, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường.
Trong đó, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào sản xuất chè được coi là hướng đi rất quan trọng trong những năm tới bởi Phú Thọ có diện tích chè lớn tới 16.200ha, đứng thứ hai về sản lượng chè chế biến so với 28 tỉnh sản xuất chè, có 1.281 cơ sở chế biến chè thủ công.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lê Quang Thắng - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Tin học tỉnh cho biết: Thành công bước đầu của chuyển đổi số trong sản xuất và kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh là các đơn vị đã có sự tiếp cận, ứng dụng thương mại điện tử. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự chuyên nghiệp, sức cạnh tranh chưa cao. Do đó, trong thời gian tới, cần tăng cường sự hợp tác giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp chè, doanh nghiệp chuyển đổi số; liên kết các doanh nghiệp hỗ trợ lẫn nhau (thiết lập hiệp hội; sàn giao dịch trà Phú Thọ; mạng xã hội; trang web). Đồng thời, nâng cao thương hiệu sản phẩm; đẩy mạnh quảng bá thương hiệu qua mạng xã hội; tổ chức các chương trình truyền thông qua truyền hình; các phương tiện khác nhằm truyền tải thông điệp chè Phú Thọ đến đông đảo người dân.
Bên cạnh đó rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước và sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp: tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung: Thực trạng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nói chung và sản xuất, kinh doanh chè nói riêng tại Phú Thọ, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận và áp dụng chuyển đổi số. Trình tự, quá trình thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh chè ở tỉnh. Các điều kiện cần thiết để doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh chè tại Phú Thọ thực hiện thành công chuyển đổi số. Giải pháp chuyển đổi số phục vụ hỗ trợ quản lý, sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè tại tỉnh và các kiến nghị, đề xuất liên quan.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ