Đền Chu Hưng, nơi thờ phụng Côn Nhạc Đại vương – Cháu Hùng Nhuệ Vương Lang Liêu
Toàn cảnh ngôi Đền Chu Hưng, xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ
Ngược dòng thời gian tìm lại sử xưa theo cuốn "Chu Hưng ngọc phả thánh tích" hiện còn lưu giữ tại Đền thì Côn Nhạc Đại Vương là cháu của Hùng Nhuệ Vương (Lang Liêu). Khi lên ngôi, Hùng Nhuệ Vương cho phân chia sơn hà thành từng vùng, từng châu rồi giao cho anh em mỗi người hùng cứ một phương.
Trong đó, Côn Nhạc Đại Vương được giao chính tổng chấn địa hạt Chu Hưng, theo lệnh vua cha, Côn Nhạc đến địa hạt Chu Hưng chiêu dân lập ấp, khai phá điền hoang, sơn trại, nuôi dưỡng súc vật, bồi bổ sức dân, làm cho dân ấp mỗi ngày một hưng thịnh.
Đang thời thái bình thịnh trị , bỗng ở trong nước nhiều nơi trộm cướp nổi lên hoành hành, ở ngoài bờ cõi rình rập doạ đe bởi giặc Phương Bắc kéo quân sang xâm chiếm Văn Lang. Nhà Vua hạ chiếu chỉ gọi các con đang trấn giữ khắp phương lui về kinh thành để hội bàn cách đánh. Côn Luân, Côn Nhạc, Côn Lang được nhà vua giao việc chiêu mộ hiền tài, tu bổ khí giới để đồng tâm hiệp sức cùng các tướng lĩnh triều đình đánh quân xâm lược.
Côn Nhạc được giao nhiệm vụ chỉ đạo đội quân theo đường bộ áp sát vùng Yên Bái, Lào Cai đón đánh giặc ngay từ biên giới. Thắng trận khải hoàn, bờ cõi yên vui, quét sạch quân xâm lược, Côn Nhạc trở về đệ sớ tấu Vua, Triều đình phấn khởi mở tiệc khao quân, ban thưởng tướng tài sỹ giỏi,
Côn Nhạc được gia phong sắc qúy là: "Quốc tái gia phong, Sắc rồng Côn Nhạc, Tính tông, Hùng chấn Đại Vương thượng tướng nhất phương Cảnh Vũ". Côn Nhạc trở về tiếp tục cai quản địa hạt Chu Hưng , một thời gian sau ông mất vào ngày mồng 8 tháng 2, táng ngay trên đỉnh Quy Sơn một mạch đất điệp điệp, trùng trùng, đấy là nơi hài Lăng Con Nhạc ký, nay là nơi được xây dựng Chùa Trúc Lâm.
Theo sử sách ghi chép lại, sau khi nhà Trần chiến thắng quân Nguyên Mông oanh liệt, vua Trần Nhân Tông rời kinh thành lên thăm trại Quy Hóa nơi diễn ra cuộc giao chiến lớn đầu tiên trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất của quân Đại Việt chống quân Mông Cổ ngày 17 tháng 1 năm Đinh Tỵ 1258.
Khi thăm nơi đây, nghe nói cạnh trại chiến có ngọn núi nơi táng Côn Nhạc Đại vương, người được giao trấn giữ hạt Chu Hưng khi xưa đã có công điều binh khiển tướng đánh đuổi ngoại xâm, vua Trần lên thăm núi ký hài lăng và khắc tặng bốn câu thơ: “Vung giáo non sông mấy ngàn thu/Bốn biển được yên thù đã hết/Núi xanh trùng điệp tựa như tranh/Linh lăng vạn cổ mãi hiển vinh”.
Tưởng nhớ công ơn của ông, nhân dân đã lập miếu thờ. Tháng 7/1806, Vua Gia Log đã cho xây dựng mới ngôi Đền và tồn tại đến nay. Trải qua các triều vua nhà Nguyễn, ngôi Đền nhận được 11 đạo sắc phong: 1 sắc phong thời Vua Minh Mệnh (1821), 2 sắc phong thời vua Thiệu Trị, 1 sắc phong thời vua Đồng Khánh, 5 sắc phong thời vua Tự Đức, 2 sắc phong thời vua Duy Tân. Trong đó có 4 sắc phong "Hựu thiện phù trực chi thần", 5 sắc phong "Thượng đẳng thần".
Tại Đền vẫn còn lưu được tượng thờ Côn Nhạc,các sắc phong của các triều đại, quyển "Chu Hưng Thánh tích ngọc phả", hậu đường bia ký và các đồ thờ cùng có giá trị khác.
Đền Chu Hưng không chỉ có giá trị lịch sử trọng đại thời Hùng Vương mà còn gắn với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Địa danh Đền Chu Hưng còn là địa bàn của Chiến khu 10 - căn cứ địa nổi tiếng trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Đền gắn với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước.
Ngày 29/ 8/1945, mặt trận Việt Minh đã lấy sân đền làm trụ sở tổ chức cuộc mít tinh tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến. Là nơi tuyên bố thành lập các đoàn thể cứu quốc.
Từ tháng 4/1947 đến tháng 12/1949, xưởng nữ quân nhu chiến khu 10 đã đặt cơ sở tại đền. Ngày 16/4/1949, đội vũ trang đầu tiên của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào được thành lập tại đây với sự có mặt của đồng chí Cay Xỏn Phôn Vi Hẳn.
Nhà bia tưởng niệm nơi Đội vũ trang đầu tiên của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào được thành lập, học tập và huấn luyện.
Nơi đây còn là “cái nôi” của nền văn nghệ kháng chiến. Năm 1948, đoàn văn nghệ sỹ gồm các nhà thơ nổi tiếng Tố Hữu, Thế Lữ, Văn Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Kim Lân, Huy Cận… lên đường, hành trình về Việt Bắc.
Trong “mưa bom bão đạn” ấy, tại mảnh đất Hạ Hòa nhiều tác phẩm về văn học, hội họa, âm nhạc… lần lượt được “chào đời”. Có thể nói Đền Chu Hưng có ý nghĩa hết sức lớn lao, không chỉ gắn với sự phát triển của đạo Phật - đạo Nho mà còn là cái nôi của nền văn nghệ kháng chiến. Từ đó đến nay, Đền Chu Hưng là nơi sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng.
Với những giá trị lịch sử trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc, ngày 12/10/1995, UBND tỉnh Vĩnh Phú ra Quyết định công nhận Đền Chu Hưng là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh; ngày 14/4/2003 Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) công nhận Đền Chu Hưng là di tích lịch sử cấp Quốc gia nằm trong quần thể di tích lịch sử Chiến khu 10.
Đặc biệt ngày 20/12/2019 Lễ hội Đền Chu Hưng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định 4603/QĐ - BVHTTDL.
Lễ vật của người dân trong làng dâng lên Côn Nhạc Đại Vương
Như vậy Chu Hưng từ không chỉ là nơi hương hoả trường minh, phụng thờ Côn Nhạc, mà ngôi Đền này còn gắn với sự phát triển của nền văn hoá nhà nước phong kiến tập quyền và gắn với những sự kiện lịch sử của cách mạng Việt Nam trong những năm đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp.
Ngày nay, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự đóng góp của nhân dân địa phương, Đền Chu Hưng đã được đầu tư, tôn tạo to đẹp và uy nghiêm hơn.
Vào lễ hội hàng năm, lễ vật tế lễ được nhân dân làng Chu Hưng chuẩn bị rất chu đáo. Cụ Nguyễn Ngọc Chức năm nay 93 tuổi cho biết: “Lễ vật gồm có lợn đen, xôi nén, gà tía, chè kho, rượu mọng, hoa quả, bánh kẹo... được chuẩn bị từ đầu năm.
Làng cử ra một hộ dân nuôi lợn đen sạch, xôi nén phải chọn loại gạo nếp cái hoa vàng thơm, hạt mẩy; gà tía cúng tế phải là con gà giống Mã Lĩnh chân vàng, đẹp; rượu mọng là loại rượu nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng được xôi 2 lần; chè kho chọn đỗ xanh hạt vàng, mang đồ xôi, rồi giã nhuyễn nấu bằng nước mật mía để màu chè óng lên màu nâu mật...
Đến ngày mùng 6, các lễ vật phải được tập trung tại đền, người rước lợn đen vào đền phải là những nam thanh nữ tú của làng. Phần lễ chính được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng Giêng trong không khí tưng bừng của mùa xuân. Đúng 8h sáng, đội rước lễ vào đến sân, đền. Phần nghi lễ thu hút sự chú ý nhất của nhân dân đến dự lễ. Lễ xong 3 phần: Dâng rượu, dâng chè, dâng nước... thì Thủ Nhang và Chủ Tế phát lộc cho các khu về tổ chức liên hoan.
Phần hội, làng bắt đầu mở hội từ ngày mùng 3 đến mùng 6 tết với các hoạt động tổ chức giao lưu thể thao, văn nghệ giữa các khu trong xã. Còn hoạt động vui chơi các trò chơi dân gian như kéo co, cây đu, cờ tướng, phi tiêu, bịt mắt bắt dê... được tổ chức song song bên lề các hoạt động trong dịp lễ hội diễn ra.